Tối nay ngoài nhà đang có mưa, nhớ những trận mưa ngày xưa lúc tôi còn ở những lớp Tiểu học khi tan trường, những cơn mưa đó không có vẻ nặng nề, bực bội như bây giờ mà nó cứ thong thả thong thả rơi, đường xá chỉ lăng tăng dòng nước nhỏ kề bên lề như con suối thật ốm o gầy mòn giữa thành phố, mà tụi học trò như tôi hay đá tung đá tóe khi tan học ở cổng Nguyễn Du hay Gia Long.
Ngày đó, những lớp buổi sáng thường không gặp mưa, nhưng lớp buổi chiều thì cứ vào đúng tháng thì năm nào cũng vậy; mà ai cũng biết Taberd có khu sân danh dự cổ kính khi chiều tối sụp mưa thì có vẻ lạnh lạnh sao đó, những ai từng đã có học tại đây, từng đã có ở lại những buổi chiều mưa đợi đến sụp tối mà chưa có ai rước về thì mới hiểu.
Các Thầy Cô của tụi tôi ngày xưa nghiêm trang đến mức lạnh lùng, cho đến lúc này khi ghi lại những dòng kỷ niệm tri ân tôi cũng còn nguyên vẹn một cảm giác vừa sợ, vừa thương kính; và nếu không được la mắng kỷ luật mạnh tay như vậy thì chắc chúng tôi TAN NÁT từ lúc Taberd bị giải tán (thật sự) vào năm1975.
Gần như tất cả anh em cựu học sinh Taberd như tôi khi nhắc đến các Frère các Thầy các Cô đều nhắc đến ấn tượng kinh khủng khi phạm kỷ luật, khi phạm nội qui nhà trường mà không một học sinh nào của Taberd có thể lường trước (vì còn là trẻ con mà) ; không phải nhà trường muốn đào tạo chúng tôi thành những con cừu Tu sĩ như các Frère nhưng có điều gì đó làm tất cả đều phải vâng phục một cách gần như tôn kính hoàn toàn.
Tôi năm tôi học lớp 8, một lần Frère Tổng linh hoạt Fortunat Phong đã kêu tất cả các lớp đứng nguyên sau giờ ra chơi để nghe Frère chửi, thật sự tôi phải dùng cái từ không mong muốn này để nói ra một phần nào ý nghĩ của tụi tôi, Fr Phong đứng ngay chổ cột cờ, không cần micro gì hết (chắc có lẽ Sàigòn ngày xưa trong giờ làm việc thì quá yên tĩnh) tuyên bố Taberd không cần học trò, không cần đám vô kỷ luật và sẽ đuổi học hết khi cần; bây giờ nghĩ lại tôi chắc Fr Phong khi tuyên bố như vậy không cần phải xin ý kiến Fr Hiệu trưởng chi đâu, Fr chỉ làm trọn vẹn nhiệm vụ một Sư huynh Tổng linh hoạt.
Sau Fr Phong, ông Thầy mà tôi ngán sợ tiếp là Thầy Đặng Minh Ngữ, lúc đó Thầy dạy vẽ cho tụi tôi, mặc dù bên ngoài Thầy là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Tất cả tụi tôi đều học Thầy ít nhất là hai năm trong suốt quảng những lớp Tiểu học và Trung học Đệ nhất cấp. Thầy Ngữ không gắt gỏng vì lúc nào cũng cười cười, nhưng Thầy có cái nhéo ngay lỗ tai và ngay ngực thì đứa nào đến bây giờ cũng nhớ, nhớ như nhớ giọng Bắc của Thầy, nhớ như nhớ những bài dạy phối cảnh mà Thầy quá ung dung tự tin, không cần sách vỡ chi, hình như Thầy Ngữ đến lớp học chỉ cần cây thước thẳng và cây compas.
Và nếu không nhắc đến sự khó khăn của cô Tuyết thì thật là thiếu, tôi học cô hai năm liên tiếp vào lớp 7 và lớp 8, cô dạy Lý Hóa cho lớp tôi trong những năm đó (hình như là năm 1971-1972), dạy thì quá sư phạm nhưng hình phạt của cô thì đến bây giờ một số bạn bè cũ vẫn không quên, như cái món thụt dầu.
Nói gì thì nói, có thể có nhiều bạn ghét, nhiều bạn thương,(như tôi đây khoảng cuối năm 1975 chẳng biết ma ám hay quỹ hành mà tôi đem tất cả kỹ yếu, thành tich biếu, học bạ của các năm tại Taberd ra mà xé ! Giận vì mình lọt ở lại chăng, giận vì bị các Thầy Cô chửi quá chăng, giận vì ngày xưa bị bạn bè chơi gát chăng !) thì phong thái các Frère, các Thầy các Cô vẫn không cách gì phai lạt trong tâm trí tụi tôi. Như đã nói ở trên, nếu không có sự giáo dục này thì chắc tụi tôi đã tan nát thật sự từ sau 1975.
Năm nay, 2010, thỉnh thoảng gặp lại cô Tuyết, ngồi gần mà nói chuyện với cô như đứa con nít lớp 7 ngày xưa, tôi vẫn còn cảm giác kính nể vâng phục và dĩ nhiên có chút xót xa vì cô nay đau yếu, đi đứng khó khăn một thân một mình, một cô Tuyết ngày xưa đã từ chối học bổng ở ngoại quốc để theo học Đại học Khoa học Sàigòn và dạy đám con trai Taberd.
Thầy Ngữ vẫn hăng say nói chuyện như ngày xưa, tóc Thầy vẫn râm râm một chút nhưng chắc chắn tay đã yếu, không còn nhéo mạnh như trước.
Frère Phong vẫn còn tiếp tục theo lý tưởng Lasan, đang phụng sự giáo dục thanh thiếu niên, tiếc là Fr không ở thường xuyên tại Việt Nam, nhưng biết đâu đó là may cho nhiều thiếu niên khác.
NHƯ TỤI TÔI NGÀY XƯA.
No comments:
Post a Comment