Ngày ngày của tôi

Tặng riêng cho con khi ba không còn thuộc sở hữu của cuộc đời này.


May 21, 2011

Hoa Đà lạt

Nhận từ email của ông Đào Duy Từ (Pháp)
----------------------------------------------------------------
Mimosa, hoa mùa Xuân của Đà Lạt 
     Nói về một loài hoa biểu tượng của Đà Lạt, người ta hay nói đến dã quỳ. Nhưng dã quỳ không chỉ riêng ở Đà Lạt mà hình như có mặt khắp Tây Nguyên. Từ Kon-Tum đến Gia-Lai, Dak-Lak, Dak-Nông... nơi nào cũng có chứ đâu riêng gì Đà Lạt - Lâm Đồng ! Còn Mai Anh Đào là một loài hoa của Đà Lạt và chỉ có ở Đà Lạt, nhưng Mai Anh Đào nở hoa vào cuối tháng 12, và đến Tết dương lịch là hết . Chỉ có một loại hoa duy nhất, tập trung ở thành phố Đà Lạt ( không địa phương nào có ), nở từ cuối mùa đông năm này sang đến mùa xuân năm sau, tạo nên một nét riêng cho Đà Lạt là Mimosa. Cho nên gọi Mimosa là loài hoa mùa xuân của Đà Lạt quả không sai !
Chụp tại Nhà thờ Domain. PTP
  Mimosa là một loài cây thân gỗ. Cây Mimosa 10 năm có thể tạo nên một tán lá, rộng cả 10 mét. Mỗi cành Mimosa đều chi chít những nhánh nhỏ, lá kép hình ô-van, dài khoảng 2cm, mặt dưới của lá có mầu trắng bạc như phủ một lớp phấn trắng... Vào mùa mưa, những cây Mimosa đến mùa sung mãn, cây nào cũng cành lá sum xê. Đến tháng 11, khi mùa mưa cao nguyên ngớt dần, hoa đã lấm tấm đầy cành, rồi nở rộ cho đến hết mùa xuân...

Hoa Mimosa mầu vàng, có hàng trăm cánh nhỏ li ti như sợi chỉ, tròn tựa Bồ Công Anh. Mimosa nở thành chùm, nhiều chùm trên một cành... Những lúc cao điểm, Mimosa nở đầy cành, trông vào chỉ thấy một màu vàng-Mimosa, gần như không thấy lá... Đó là lúc người ta không muốn cũng phải nhìn thấy và giật mình, chợt nghĩ ra: Đà Lạt có Mimosa!

Trong một bộ phim tài liệu, Truyền hình Việt Nam đã giới thiệu đất nước Hungarie với những đồi hoa Mimosa vàng rực. Mimosa được khai thác, vận chuyển bằng cơ giới về những trung tâm cắt tỉa, đóng gói vào những bao carton dài hơn mét và xuất đi các nước Châu Âu. Thì ra, họ đã qui hoạch thành những vùng chuyên canh Mimosa, gieo trồng, chăm bón, khai thác... theo một qui trình để Mimosa trở thành một loại hoa hàng hóa. Nhìn thấy cảnh hằng trăm công nhân thu hoạch, cắt tỉa, đóng gói hoa và một lúc xuất đi hàng chục container, bỗng thấy chạnh lòng nghĩ đến Mimosa Đà Lạt !
     Người ta gặp nhau, chỉ hỏi thăm về hoa hồng, hoa lan, hoa cúc...là những loại hoa có giá trị kinh tế, chứ chẳng ai hỏi đến Mimosa ! Cho nên, có thể nói Cây Mimosa Đà Lạt bị xem như là một loại cây thứ cấp, không có giá trị kinh tế nên không ai chủ ý trồng Mimosa, trừ khi có một chút đất trống góc vườn, dọc hàng rào, có Mimosa cũng được, không có cũng xong! Không phải là tất cả đều vô tình trước Mimosa, Tôi đã gặp vài người cố tình trồng Mimosa trong vườn mình và hãnh diện về cái đẹp của loài hoa này.

     Mimosa có thân mảnh, cành nhiều nhưng rễ rất yếu, cho nên trồng Mimosa không cách nào hơn là phải ươm bằng hạt để bộ rễ phát triển đầy đủ nhất. Mimosa còn non ta phải biết cắt, chiết bớt cành, giảm độ cao để không bị gió mùa mưa đánh bật gốc..." Đó là phát biểu của một nghệ nhân già, một người Đà Lạt gốc, cựu học sinh Trần Hưng Đạo - Đà Lạt, học Đại học Sư phạm Sài Gòn từ năm 1962 của thế kỷ trước, sau đó dạy học ở Đà Lạt cho đến ngày nghỉ hưu... Sở dĩ ông nói về kỹ thuật trồng Mimosa như trên là do một sự ngẫu nhiên, cây Mimosa vườn nhà bạn mọc cao quá, ông phải cắt ngắn để khỏi chạm vào dây điện...Kết quả, bạn ông có một cây Mimosa đẹp như bonsai, không cao nhưng tán rộng, đến mùa hoa nở rộ, đẹp như một loại "kỳ hoa". Ông cũng phê phán việc trồng Mimosa trên thế đất nghiêng đứng của ta-luy vì rễ sẽ không "cõng" được tán cây, sẽ đổ!

"Mimosa từ đâu em tới...?", Du khách đã từng bị mê hoặc vì Mimosa, huống chi người Đà Lạt vì lẽ Đà Lạt là nơi duy nhất trên đất nước này có Mimosa và Mimosa chỉ chịu "kết duyên" cùng Đà Lạt mà thôi... Thực ra, ở Đà Lạt còn có nhiều người thích Mimosa, không phải vì giá trị kinh tế, không phải vì hương sắc quyến rũ của nó mà vì họ yêu một mùi hương thanh khiết nhẹ như không, một nhan sắc mộc mạc rất Đà Lạt. Đến nỗi họ sẵn sàng mang cái vốn hiểu biết riêng của mình, gieo trồng, chăm sóc không cần thù lao, nếu nhà nước muốn trồng những "đồi Mimosa" tập trung.

Dù người nhớ, dù người quên, Mimosa vẫn là hoa của Đà Lạt, một chi tiết của Đà Lạt. Mỗi mùa xuân, du khách còn tìm đến để có những tấm hình đứng cạnh Mimosa, như một ghi nhớ: Ta đã đến Đà Lạt mùa xuân nầy.
                                      *          *          *          *          *    
Hoa tường vi
     (  Phần giữa 2 dấu ngoặc (   )  được thêm vào để bổ túc  )     

     (  Tường -Vi thuộc họ Hồng ( Rosacea ) là giống hoa đồng nội dễ trồng. Hoa tường vi có mặt khắp nơi. Người dân quê yêu hoa, thường trồng hoa tường vi làm bờ rào. Tường vi thân khá cao dễ chừng đến 2m - quanh thân có gai bén. Lá tường vi là loại lá có bẹ, có khía như lá hồng. Hoa nở từng chùm ở ngọn, mỗi chùm chừng năm đến bảy hoa. Hoa không lớn như hồng nhưng sắc hoa rực rỡ tươi sáng từ nhạt đến hồng đậm.

Hoa tường vi có đủ sắc và hương. Hoa nhiều, chỉ có điều hoa không lớn và dễ trồng nên không được người sành điệu ưa chuộng chăng ?  Tường vi đẹp mà kiêu sa như hoa hồng vốn được mệnh danh là “ Hoàng hậu của các loài hoa ”. Trái lại tường vi lại lặng lẽ nép bên bờ rào, khiêm tốn tỏa sắc hương như cô thôn nữ. Có ai dám bảo rằng những cô gái quê không đẹp? Chỉ có điều là họ không trau chuốt, không điệu đàng mà thôi.
Sắc hương hoa tường vi không kém hồng. Đứng giữa màu xanh của vùng quê, tường vi đẹp như cô gái quê khỏe mạnh tràn đầy sức sống và khiêm tốn :

Tường vi lặng lẽ đứng trong vườn
Ẩn nhẫn, âm thầm giữ sắc hương
Thôn nữ nghiêng nghiêng cười dưới nón
Yêu kiều chờ đợi chút tình thương

Tâm sự của tường vi lặng lẽ như thế đó nhưng không vì thế mà tường vi bị lãng quên. Tường vi đã là nhứng nhân của một mối tình ngây thơ trong sáng của đôi trai gái quê, nhưng cuộc tình cũng lắm uẩn khuất khiến nó trở thành bất hủ với bản nhạc “Cô láng giềng” của Hoàng Quý.
Chuyện tình ấy bắt đầu từ những ngày còn bé “đôi ta cùng đứng bên rào tường vi” chàng hái tặng nàng một đóa rồi cài lên mái tóc. Họ âm thầm yêu nhau.

Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi
Đừng nói đến phân ly

Nhưng cuộc đời đâu phải lúc nào cũng là mặt nước hồ thu phẳng lặng. Họ lớn lên, chàng đi xây sự nghiệp với cây đàn… Thời xưa ấy học đàn quả là điều rất khó. Chỉ có những công tử Hà Thành con nhà quyền quý mới có đủ điều kiện để học nhạc. Thế mà Hoàng Quý vẫn một tình yêu là cây đàn và mối tình hoa tường vi. Rồi cách mạng tháng Tám và kháng chiến bùng nổ, Hoàng Quý cũng như bao chàng trai khác lên đường đi kháng chiến. Thế là thư từ không qua lại được, rồi họ bặt tin nhau. Bao ngày chờ đợi mỏi mòn. Xuân sắc người thôn nữ như hoa chỉ có một thời!
Khi anh trở về với bao nỗi niềm thì oái ăm thay đó cũng là lúc người con gái lên xe hoa :

Trước ngõ vào sân vang tiếng pháo
Chân bước phân vân lòng ngập  ngừng

Và khi chàng đã rõ :

Tôi biết người ta đón em tưng  bừng

Thế thì còn gì để mà mong mà đợi chờ. Đêm ấy chàng trai Hoàng Quý ôm đàn viết những dòng nhạc “Cô láng giềng”. Lời và nhạc như những dòng máu từ trái tim rạn vỡ mà thành. Thế là mấy hôm sau Hoàng Quý cũng từ giã cõi đời để lại bản nhạc bất hủ sáng ngời như hạt ngọc có hình ảnh đóa tường vi.
Tường vi còn là những kỷ niệm thân thương. Xuân Diệu sau 30 năm xa cách quê nhà, ngày giải phóng anh mới về thăm. Tôi đưa anh đi một vòng quanh vườn, nhà đã bị chiến tranh tàn phá chỉ còn nền trơ trọi. Bước chân lên thềm anh dừng lại bồi hồi xúc động. Anh chỉ tay vào góc vườn bảo:
Em nhớ trồng bụi tường vi nơi này. Ngày xưa ngoại thường hái hoa nơi đây bỏ vào trà. Bà rất thích hương tường vi, trà nhàn nhạt trong xanh. Hình ảnh cũ lại về. Ngày còn bé anh thường hái hoa tường vi hầu trà cho bà.

Ngoại là người thứ nhất của  quê hương ”

Hoa tường vi không chỉ là chứng nhân một cuộc tình, một kỷ niệm. Hoa còn đi vào câu hát trong dân gian ở quê tôi. Vào những đêm trăng từng lớp gái trai giã gạo hát hò. Họ trao nhau tình cảm qua câu hát tiếng chày.

Em như một đóa tường vi
Giai lên đến ngọn dễ chi hái về

Một người trong đám hát rằng:
Em như một đóa tường vi
Anh như con bướm sợ gì đám gai

Cô gái không vừa:

                                                        Tường vi hoa dại bên rào
                                                       Ai mà động đến gai cào sướt tay

Và một chàng trai si tình hát:

                                                        Gai cào thì mặc gai cào
                                                        Đem về cắm lọ, bưng vào nâng ra

Tình cảm của con người đối với hoa tường vi thật trong sáng sâu đậm. Hoa xứng đáng có mặt trong vườn của người yêu hoa, yêu cây cảnh.
Nguyễn Phúc Liêm )
          Tường Vi
Tôi muốn tình là thác Prenn
Trôi vào em trong đêm huyền thoại
Hoa Tường-Vi chưa một lần tôi hái
Tuổi đôi mươi khờ dại mối duyên đầu.
Tôi gọi nàng là Tường-Vi
Cánh phấn hồng giăng mi Đà-Lạt
Đêm đồi thông sương về xây bờ cát
Dốc đồi Cù ươm tạc lối tình xanh.
Đà-Lạt lạnh sao bằng lòng tôi lạnh
Nụ than hồng lóng lánh phút tình xa
Ngủ đi em dòng suối tóc mượt mà
Rồi mai đến ta về xa biền biệt...
Nơi rừng thu Tường-Vi buồn da diếc
Prenn lững lờ ôm nuối tiếc về đâu
Làn da nâu em cư ngụ ngọt ngào
Đêm từ tạ gọi về bao hoài niệm.
Tôi ước nàng là thác Prenn
Chảy trong tôi thâu đêm Đà-Lạt
Tình đến sau đứng chờ trong ngơ ngác
Đêm Tường-Vi để lạc chút hương thầm.
                                      *          *          *          *          * 


         How to plant your Garden of Daily Life
First, you come to the garden alone, while the dew is still on the roses. Then
PLANT THREE ROWS OF PEAS:
1. Peace of mind
2. Peace of heart
3. Peace of soul
PLANT FOUR ROWS OF SQUASH:
1. Squash gossip
2. Squash indifference
3. Squash grumbling
4. Squash selfishness
PLANT FOUR ROWS OF LETTUCE:
1. Lettuce be faithful
2. Lettuce be kind
3. Lettuce be patient
4. Lettuce really love one another
NO GARDEN IS WITHOUT TURNIPS:
1. Turnip for church meetings
2. Turnip for service
3. Turnip to help one another
TO CONCLUDE OUR GARDEN WE MUST HAVE THYME:
1. Thyme for each other
2. Thyme for family
3. Thyme for friends  
                                     *          *          *          *          *    

No comments:

Post a Comment