Ngày ngày của tôi

Tặng riêng cho con khi ba không còn thuộc sở hữu của cuộc đời này.


May 4, 2011

Chốn để quay về

Theo drnikonian.com (xin phép tác giả được đưa vào đây).
----------------------

 
Khí quyển Sài gòn thì khi nào cũng thế, cứ sôi sùng sục như một nồi lẩu xà bần với rất nhiều nắng gió. Tuy thế, nồi lẩu Sài gòn cũng có cung bậc riêng: nó ùng ục quanh năm, nó sôi trào bọt trong dăm tuần cận tết với hàng hóa, quà cáp, hoa lá, người xe… như nêm cối. Rồi như có một bàn tay bớt lửa khi cơm sôi, Sài gòn dịu dần, dịu dần theo bước chân người tứ xứ về quê ăn Tết. 29-30 Âm lịch, Sài gòn đạt điểm đáy trong chu kỳ sôi sùng sục quanh năm của mình: tĩnh lặng, thông thoáng, nhẹ nhõm như một bát cháo đã được múc ra mâm chờ nguội.
Chính trong lúc êm đềm nhất trong năm của Sài gòn tả pí lù ấy, chỉ với một giờ bay, tôi đã hòa mình vào một bếp lửa liu rui ấm áp khác: Hội An.


Lại J., gã bạn Tây lãng tử đã rong ruổi từ Bắc chí Nam với một mình một xe. Lại J., với câu hỏi hất hàm: “Ở cái phố bé tí ấy có gì mà chú mày đến mãi thế?”
Quả là dịp tốt để dạy J., gã Tây tưởng mình sành đời về du lịch Việt Nam, dăm bài học. Và nhân danh tình bạn lưu niên, cũng nên vỗ vai J., mở đầu bằng câu mắng: “chú mày ngu lắm” mà rằng:
Cái ở Hội An không ít. Nhưng những điều mà Hội An không có thì cũng đủ để dừng chân khách phương xa. Này nhé, Hội An không có cao lầu chưởi, cháo gà quát, bánh hoa hồng chém. Tại Hội An, không cần hỏi giá trước khi đặt món, không bị lườm nguýt khi xin thêm dĩa rau miếng ớt. Tô cao lầu cho khách du lịch ở Hội An không bị đẩy giá gấp đôi gấp ba như tô phở, bún bò ở nơi chúng được coi là đặc sản.
Ở Hội An, những nụ cười chụp được trên đường phố không phải mua bằng tiếng mời “two dollars, sir!”mà các trẻ dân tộc phát âm rất chuẩn.
Ở Hội An, khi vào tiệm, không ai mát mẻ đuổi khách, không nói thách như dao. Mà còn đon đả: “chú cứ coi, mua không mua cũng được”
Ở Hội An, không có gã xích lô nào chèo kéo “vui vẻ” em út tăng hai tăng ba trên sông Hoài.
Ở đình chùa Hội An, không ai nhét tiền lẻ vào tay thần Phật, không ai tụng niệm mã số thuế để xin buôn may bán đắt, hay tấn tài tấn lợi.



Chùa vắng

Cũng không có hành khất xin ăn, hay những cảnh đời quá túng cực làm lòng ta bần thần như có lỗi.

Một mách những cái không như thế, đủ để làm J. gật gù tán thưởng. Nhưng lại làm người nói giật mình: Đã tự bao giờ, chỉ cần không có cảnh chướng tai gai mắt, uế tạp, là đủ để trở thành đặc biệt, duy nhất, đặc sắc… trong bức tranh nhộn nhạo của nền du lịch Việt Nam? Chỉ cần không xấu, không hỗn hào là được coi như đẹp. Thảm thương đến vậy hay sao?
Đâu phải thế! Còn lâu J. mới hiểu được điều này: đến Hội An là để được sống chậm, để thong thả nghe cu gù, chim hót trong mỗi sớm mai. Hội An vẫn là một bếp lửa liu riu, không sôi lên sùng sục như Sài gòn hay Hà Nội, nhưng chẳng bao giờ nguội lạnh. Cái bếp lửa ấy, giữ cho lòng ta thanh thản khi thong thả cuốc bộ trong đêm trừ tịch, ngước nhìn mái ngói rêu phong. Vẫn cảnh ấy, người ấy, tưởng như không gì thay đổi sau một năm. Rêu phong ấy vẫn hệt năm xưa, như lúc mải mê bấm máy ghi lại dấu thời gian trên mảng tường vôi loang lổ rêu ấy. Chỉ có cây lá lớn hơn, sum suê hơn. Và người chụp ảnh cũng như cây, già thêm một chút khi nhìn lại dấu thời gian không tuổi ấy.
Nắng vẫn như xưa

Quét dọn đường phố lúc 1h sáng


Cây xưa đã lớn
Chợ ngày Tết


Vẫn quán cũ, lọt thỏm vào trong lòng phố cổ. Yên ả, tịch mịch cũng như một sáng năm nào, ngồi thinh lặng ngắm trời xanh nắng vàng mây trắng bên cạnh bạn bè.
Vẫn nón lá, quang gánh tất tưởi cần lao. Nhọc nhằn nhưng không nhục nhằn. Và vẫn rất lương thiện, để cắm cúi quét dọn sạch sẽ quanh hàng mình bán, dù đã một giờ khuya.
Đó là một Hội An, nơi chốn để chúng tôi ngồi lại với nhau trong yên ả, bỏ lại đằng sau một năm tất bật.
Bằng cách đó, rêu phong, cỏ dại ở chốn thanh bình này đã in bóng tuổi trẻ của chúng tôi. Bằng cách đó, chúng tôi cũng như phố cổ, già đi theo năm tháng, nhưng vẫn bất biến di bất dịch, về đây để nhìn lại một năm của đời mình.
Lại thêm một lượt phải mắng J. mà rằng: “Chú ngu lắm! Nơi đây nào phải chốn ta đến rồi đi. Hội An là chỗ để quay về, chú -Tây -tưởng- mình- sành-điệu kia ơi!”

No comments:

Post a Comment