Ngày ngày của tôi

Tặng riêng cho con khi ba không còn thuộc sở hữu của cuộc đời này.


Oct 31, 2010

Khi các trí tuệ cứu trợ


Tôi không thuộc lớp trí tuệ như thế này, tôi chỉ thuộc lớp người còn có chút tình nhân.





















































































Ngày xưa,
Những
tấm lòng thương yêu đùm bọc nhau khi xảy ra trường hợp đồng bào mình bị nguy khốn, vẫn không khó thấy những lời kêu gọi như NHIỄU ĐIỀU PHỦ LẤY GIÁ GƯƠNG, NGƯỜI TRONG MỘT NƯỚC PHẢI THƯƠNG NHAU CÙNG hay LÀNH ĐÙM LÁ RÁCH mà chúng tôi khi còn chưa ráo mũi lớp 6 lớp 7 vẫn gặp khi nhà trường tha thiết kêu gọi sự giúp đỡ bằng cách đặt những thùng lạc quyên (câu từ này hình như sau này không thấy xuất hiện), làm cho ai ai cũng cảm nhận được sự khổ đau ở nơi lạnh lẽo xa xôi đó. Điều đó đã thấm vào lòng của những thằng bé như mình..
Ngày ấy, những kêu gọi đơn giản đó làm tụi học trò chúng tôi không ai dửng dưng được.

Ngày bây giờ,
Nhờ hiện đại hơn, tự động hóa được nhiều hơn, nên tôi đã có dịp thấy một dải băng treo tại Phú nhuận, nơi nhận vật chất cứu trợ ghi là "NƠI TIẾP NHẬN CỨU TRỢ BẢO LỤT NĂM 2010", rất lạnh lùng và rất khẩu hiệu, tôi không thể dừng lại chụp câu này vì nhiều lý do. Và cũng để giải quyết cho nhiều thuận tiện khác, nơi tôi làm việc cứ vào mỗi dịp như thế (xin lỗi đồng bào của tôi), để muốn chứng tỏ tấm lòng của tất cả mọi nhân viên (dưới quyền), người ta chỉ biết thực hiện bằng cách trừ lương, thường là một ngày. Lần nào cũng qua văn bản nội dung na ná nhau "CBCNV ủng hộ một ngày lương" hầu như không có những câu đơn giản nhưng rất đậm tình như "Cũng như chúng tôi, Ban Giám đốc tha thiết kêu gọi anh chị em ..." !
Như vậy có thương thêm cho đồng bào tôi không ? Họ chẳng biết gì hết, họ đâu có biết những hành động trên đã làm giảm rất nhiều đồng cảm mà chính họ phải được hưởng rất trọn vẹn.

Và đồng bào của tôi cũng không hề biết sự khổ đau của họ đã là dịp cho một số người được danh và được lợi.
Nhưng con người ơi, rồi cũng phải trả lại cho những gì đã lợi dụng hay cướp đoạt. Tất cả định luật của tự nhiên và nhân văn đều xác tín như vậy !

........................................................

Xin coi thêm bài tại blog này



CỨU TRỢ: MÌ TÔM & HỐ XÍ
truongduynhat | 29 Oct, 2010, 00:00 | góc nhìn của Nhất | (4994 Reads)
Nhiều khi chính cái nhà xí di động mới là thứ cứu trợ nhân văn nhất, chứ không phải mì tôm hoặc phong bì!
Tôi biết nhiều người, nhiều tổ chức cứu trợ đã âm thầm, lặng lẽ về với dân, san sẻ đến từng gói mì tôm, thậm chí từng gói cơm nắm muối vừng cho đồng bào vùng lũ. Tôi biết và thấy nhiều đoàn xe nối đuôi nhau dằng dặc trên những chặng đường về với dân vùng lũ nhưng trên thành xe chỉ vỏn vẹn mấy chữ “Nghĩa đồng bào”, không biết họ là ai, đơn vị cá nhân tổ chức nào, chẳng thấy treo lô-gô hay... thương hiệu gì. Tôi biết và tận mắt thấy trong những ngày này, nhiều đoàn cứu trợ bọc cơm trải chiếu ngồi ăn với đồng bào ngay giữa xóm. Tôi biết và thấy nhiều đoàn cứu trợ vừa ngồi trên xe vừa lôi cơm hộp, bánh mì ra ăn. Tôi biết nhiều đoàn cứu trợ lẳng lặng đến, lẳng lặng đi, không báo chí, không quay phim, không cờ phướn băng rôn. Nhưng những ấn tượng, tấm lòng họ để lại, đọng lại trong dân vùng lũ là sâu sắc và nghĩa tình, cảm động.
Nhưng...
Lũ lụt rồi cũng qua. Nhưng lại thêm một cơn lũ khác, cơn lũ mà nhà thơ Bùi Hoàng Tám chua chát gọi là: lũ khách! “Từng đoàn, từng đoàn về thăm hỏi và hóa đơn trong các nhà hàng, khách sạn cứ dày lên mỗi ngày. Lũ về đã sợ, quan chức hội họp, tiếp đón khách còn đáng sợ hơn cả lũ lụt. Khách sạn ở rốn lũ Hương Khê lúc nào cũng rầm rập quan khách”. Khách đến mức nhiều địa phương, các tổ chức Mật trận, đoàn thể và chính quyền không còn thời gian đâu để tiếp. Không tiếp thì sợ mất lòng, tiếp thì còn thời gian đâu để cứu trợ, phân phát hàng cho dân, để lo việc khác? Đã mang tiếng đi cứu trợ thì tự rút tiền túi ra, sao nỡ để địa phương phải tiếp mời? Những cuộc “đánh chén” sau khi kết thúc các cuộc “hành quân” cứu trợ giữa vùng lũ là những hình ảnh phản cảm, và đôi khi nó phản lại chính mục đích và ý nghĩa cao cả của công tác thiện nguyện.
Cứu trợ cũng phải có văn hóa. Tầng nấc văn hóa của việc thiện nguyện là ở cách cho chứ không ở của cho. Ông bà xưa có câu “của cho không bằng cách cho” là vì thế. Sao đi cứu trợ lại cứ phải trống giong cờ mở? Sao nước rút rồi không chọn đường ráo đi cho tiện, lại cứ xắn quần lôi dân ra đứng ngập đầu gối giữa ruộng nước để trao phong bì và mì tôm? Sao nước lũ đã rút cả tuần, đường đã khô ráo lại không đi mà cứ trèo lên xuồng đẩy ra giữa ruộng nước rồi gọi bà con ra trao quà để quay phim? Vì sao nhiều đoàn cứu trợ cứ đòi phải có báo chí quay phim chụp ảnh, phải có truyền hình thì mới chịu phát quà cho dân? Sao giữa lúc lũ ngập, người ta cần mì tôm nhai cho đỡ đói thì anh lại phi ca- nô ra chìa phát phong bì? Đến khi nước rút hết rồi, mì tôm cứu trợ ăn phát ngán rồi, người ta cần tiền để mua sắm vật dụng, sửa sang dựng lại nhà cửa thì anh lại kêu dân ra dàn hàng ngang giữa hội trường để phát... mì tôm?
Có trăm nghìn cách cho. Đâu đến mức cứ phải lôi những đứa trẻ đầu vấn khăn tang ra dàn hàng ngang trước bàn thờ nghi ngút khói hương để trao phong bì, mì tôm và quay phim chụp ảnh?
Mì tôm là thứ dễ... nhai nhất, dễ cứu đói kịp thời nhất, tiện nhất trong các chiến dịch cứu trợ, nhất là cứu trợ lũ lụt. Nhưng đâu chỉ mì tôm và có nhất nhất lúc nào khi nào chỗ nào và đoàn nào cũng ngùn ngụt mì tôm?
Nhìn những thùng mì tôm chất cao như núi, nhiều lúc chợt hỏi: ai là người hưởng lợi nhất sau những trận lũ thế này? Nhiều khi, lũ vô tình giúp các nhà sản xuất mì gói giải quyết nhanh nạn tồn kho, hàng xuất nhanh bằng cả mấy năm ròng bươn chải tìm kiếm thị trường. Cũng không quá khi nghe nhiều nơi dân kêu “cứu trợ cái chi cũng được, nhưng xin đừng đưa mì tôm về nữa!”.
Nhìn qua Thái Lan, lũ cũng ngập tràn, người ta cũng ra quân cứu trợ rầm rộ. Nhưng có thấy họ phát hay... ném mì tôm ào ào như ta đâu? Thay vào mì tôm là những bếp ăn di động, thuốc chống nước ăn chân, thuốc xoa chống muỗi, thuyền cá nhân, thậm chí cả băng vệ sinh phụ nữ và... nhà xí di động.
Những lúc này, nhiều khi chính cái nhà xí di động mới là thứ cứu trợ nhân văn nhất!
Lũ đã cướp đi quá nhiều thứ rồi. Đừng để mục đích và ý nghĩa cao đẹp, thậm chí cả lòng tin vào công tác thiện nguyện cũng bị cướp trôi mất hoặc... vấy bẩn.











No comments:

Post a Comment