Ngày ngày của tôi

Tặng riêng cho con khi ba không còn thuộc sở hữu của cuộc đời này.


Nov 11, 2014

Viết dùm con

Thằng bé nhờ tôi viết vài dòng về ngôi trường nó đang học, thật sự ban đầu tôi nghĩ là sẽ kể lại một chút về trường Taberd xưa, nhưng đây là một ý nghĩ sai lầm, vì phải viết về trường Trần Ɖại Nghĩa ngày nay. Một chuyện không khó nhưng đòi phải mang tất cả tình cảm vào đó thì không phải lúc nào cũng dễ dàng, ít ra là đối với những người đã học suốt mười một năm tại đây, bây giờ phải ghi lại những điều mới, mà thật ra là những điều đã thay đổi quá quá nhiều trong tôi !


Lúc này phải đặt tình cảm của một học trò ngày nay vào bàn phím, để ghi lại, cố gắng không gượng gạo. Chữ “tôi’ ở đây là nhân vật một học trò mới này, không phải là tôi : thằng học trò ngày xưa.
Do một thói quen từ lâu, mỗi sáng tôi đều bước vào trường từ cổng đường Nguyễn Du, một con đường đẹp với hàng me không cao lắm, một cái đẹp kín đáo khá hiếm hoi trong đô thị này. Qua một cánh cổng sắt đồ sộ và thâm nghiêm, chắc cũng phải trên năm mươi năm tuổi vì tôi nghe kể từ lúc ba tôi vào học tại trường này cách đây khoảng năm mươi năm, thì ông đã thấy nó đã có rồi. Qua cánh cổng này là một thế giới khác, thế giới của học trò, của danh dự như tên của chính khoảng sân. Hơi dốc một chút, bước đi qua quảng sân này như bước đi dưới sự che chở của mấy cây cổ thụ, mà mỗi năm cứ đến mùa là những bông hoa li ti thỉnh thoảng lại đổ xuống trên tóc học trò và một hương thơm dịu cứ phảng phất nhè nhẹ làm cho những âu lo bài vở cũng tạm được gác qua.


Ba dãy nhà xưa nhất của trường sắp đặt vuông góc nhau và bao quanh sân danh dự. Hồi lớp 10, tôi học tại dãy bên phải. Cầu thang lên lầu bằng gỗ đã mòn khuyết xuống theo dấu giày của rất nhiều thế hệ học trò và Thầy Cô, hàng gạch đỏ lót hành lang cũng vậy, cũng lõm xuống và nếu ai có dịp đứng tại hành lang này, nhìn qua vòm cong của bao lơn, đến toàn cảnh sân danh dự sẽ cảm nhận được trọn vẹn những gầy dựng và gìn giữ mà các thế hệ tiền nhân đã làm và để lại cho thế hệ chúng tôi; một ý gởi gấm thầm lặng : Các con ơi ! Phải học sao cho nên Người.
Sân chơi nối liền ra cổng sau, cổng Lý Tự Trọng là một thế giới khác, náo nhiệt của tuổi học trò nhất là những giờ ra chơi. Nhưng ngay khi tiếng chuông báo đến giờ học thì mọi yên lặng, kỷ luật lại trở về đúng vị trí của nó; như bao đời.
Ba dãy lầu mới hơn, bao quanh sân chơi được xây cất từ khoảng năm 1955 mà một dấu vết quá hiếm hoi, một viên gạch duy nhất kỷ niệm năm khánh thành còn có thể được thấy tại sân trệt khu lớp 9. Ngày trước vẫn là hai sân bóng rổ, không kể bốn tableau phụ; hai sân bóng chuyền thì nay chỉ còn một, một kia đã thành bãi giữ xe; không than phiền được điều này vì đi đâu, đến đâu trong thành phố này chỉ thấy xe và xe.
Như vậy là tôi đã đi một đoạn từ cổng Nguyễn Du đến cổng Lý Tự Trọng, có lẽ còn nhiều chuyện phải kể tiếp nhưng thôi tạm dừng lại đây để tìm tiếp những kỷ niệm khác.




No comments:

Post a Comment