Tặng cho con tôi, cho những học trò của tôi.
------------------------
Tôi
nghe kể câu chuyện này từ ba tôi. Lúc đó tôi học lớp Chín còn ba tôi, ông đã
ngoài năm mươi tuổi; lúc kể ông có vẻ trầm ngâm nhiều mà về sau khi lớn hơn vài
tuổi tôi mới hiểu được có sự liên quan giữa câu chuyện và tâm sự của ba. Câu
chuyện của một người bạn từ thời con học Trung học với ba, đúng ra là chuyện về
gia đình của bác ấy; chuyện về tấm lòng của bác ấy với các con của mình.
Gia
đình bác chỉ có bốn người, bác trai bác gái và hai chị, lúc nhỏ hai chị chỉ
cách nhau hai lớp nhưng học tại hai trường khác nhau. Đều đặn như một con tầm
kiên nhẫn nhã tơ, từ lúc chị lớn vào lớp Một, mỗi ngày bác xóc nách chị, đặt
con người lớp Một bé bỏng ấy vào ghế phụ của chiếc xe gắn máy honda đời 82, rồi
chạy chậm chậm tránh những đoạn đường bụi bậm. Thỉnh thoảng kẹt xe, kẹt đường,
bác rẽ vào một con hẽm lằng ngoằn để thoát ra con đường khác; nhưng có điều là
chưa bao giờ chị bị trễ học. Trưa đến, bác từ nơi làm việc chạy một mạch đền
trường, có thể để tránh một giờ tan học quá đông người chờ kẻ rước, nên đã dặn
với chị là bác đến chậm khoảng mười phút để đón cho dễ.
Chị
lớn qua lớp Hai rồi lớp Ba, chị nhỏ vào lớp Một nhưng vì thương út hơn chăng
nên bác xin cho út vào một trường tốt hơn, xa nhà hơn một chút. Bác thường biện
minh với bác gái rằng “Cái số tụi nó
không học được chung trường, nhưng tôi đưa đón được mà !”. Và cái vất vã vẫn
chưa chịu thương bác; lớp Ba chị lớn học buổi chiều trong khi chị út học buổi
sáng, mỗi ngày bốn lần đưa rước như vậy, chưa một ngày làm hai chị trễ học. Chỉ
có một lần, bác ấy đã tâm sự với ba tôi, lúc ấy ba thấy bác hơi buồn : một ngày
cuối tháng, buổi chiều bác chờ lãnh lương, chờ đến gần năm giờ mà họ vẫn chưa
phát trong lúc trường chị tan học vào bốn giờ mười lăm ! Sở bác làm không cho
nhờ lãnh lương dùm, sáng mai đến thủ quỹ lãnh thì chưa chắc đã gặp được vì ai
cũng có chuyện này chuyện kia, và sẽ bị nói lên nói xuống; nhưng điều quan trọng
hơn là lúc ấy bác đã cạn tiền ! Tính toán tiêu dùng vừa đủ đến cuối tháng là hết
sạch, nên chiều đó bác đã ở lại chờ; đến gần sáu giờ thì mới lãnh xong, trời
nhá nhem tối. Đến trường thì thấy chị ngồi gần cổng trực, chú bảo vệ đang đọc
báo cách đó một khoảng, bác nhìn thấy ánh mắt của chị, vừa mừng vừa lo. Đó là
chuyện buồn bực được bác kể lại với ba, vì ngoài ra bác không thể kể cho các
con nghe, các chị lúc đó còn quá nhỏ.
Chị
út được lên lớp Bốn thì chị lớn vào lớp Sáu. Bác chạy tới chạy lui, đọc báo này
báo kia, nhủ rằng sẽ nộp đơn xin cho chị được tuyển vào trường tốt, vì điểm cuối
lớp Năm của chị khá cao. Kể đến đoạn dự tuyển này, ba tôi cười cười : ba thấy
bác ấy rất quyết chí, hình như để bù lại cho kết quả những năm học Tiểu học của
chị. Một tháng sau thì chị có tên được trúng tuyển tại hai trường, sau cùng bác
quyết định chọn một trường cùng quận, sau khi đã hỏi ý kiến ba và vài người bạn
khác. Lúc ấy, bác gái chỉ nói một câu với bác :
-
Ông
thiệt là mát tay !
Bác giải thích rằng :
-
Mát
tay đây là mát tay lái xe, đưa đón con gái suốt năm năm, chứ có là bác sỹ bác
sung gì đâu.
Rồi chị út lên lớp Sáu, bác ấy cũng
đi tới đi lui nộp đơn dự tuyển cho chị. Lần này thì cái vất vả của bác được bù
đắp một chút, vào năm học thì hai chị học cùng trường. Tết năm đó, bác quyết định
mua xe mới, chở hai cô con gái đi học một lúc cho an toàn hơn, và một điều nữa
mà bác không nói ra, nhưng ba biết, là bác không muốn các con thấy xấu hỗ với bạn bè vì chiếc xe quá cũ.
Cứ như vậy, bác kiên tâm làm công việc
đưa đón. Chị lớn thi đậu lớp Mười vào trường tốt, bác gái cũng vẫn câu
đó :
-
Ông
thiệt là mát tay !
Chị út lớp Mười thì chị lớn đã lớp
Mười hai, học khác trường và không thể chở một lần hai cô con gái đã lớn nên chị
lớn phải đạp xe đạp đi học, bác dành phần chở chị út. Chấm dứt việc đưa đón chị
suốt hơn mười năm, bác có cảm giác bị trống trống một cái gì đó khi ngồi vào
chiếc xe mỗi buổi sáng, buổi chiều.
Đi thi cuối năm lớp Mười hai, đi thi
vào Đại học thì bác lại chở chị lớn đến trường. Và vì bàn tay mát của bác nên
chị đã đậu vào Đại học Nha, ngày chở chị coi kết quả, bác mừng như đứa con nít,
còn chị thì bi bô cái miệng :
-
Vài
năm nữa, con sẽ chỉnh lại hàm răng móm mém của ba.
Kể đến đây thì ba tôi chậm giọng lại.
Hai chị con của bác, sau khi học
xong Đại học. Chị lớn làm nha sỹ, chị út dạy học tại một trường Trung học phổ
thông thuộc hạng danh giá. Bác không còn đi làm nữa, xin nghĩ hưu sớm vì yếu sức.
Mỗi tháng lãnh chút lương hưu gọi là cho có, nhưng nói với ba :
-
Xin
tiền của con, ngại lắm ông ơi !
Chị lớn vẫn chưa làm cho bác bộ răng
mới, có lẽ bận nhiều việc nên ít quan tâm đến cái ăn cái uống của bác. Chị út
thì soạn bài, chấm bài, dự giờ, tham gia hội thảo nhưng thỉnh thoảng vẫn mua
đem về cho bác vài cuốn sách tốt, và trong những dịp trang trọng thì chị mua về
cho mẹ bó hoa Đà lạt, chị biết, vì cha mẹ mình gốc trên đó.
Mỗi ngày sáng ra, bác quanh quẩn trước
nhà, hết chăm hoa rồi đọc sách mà bác chỉ thích thú với những sách nói về triết
Ấn độ, bác nói nó nhẹ tênh như mây để giải thoát con người khỏi phiến nảo.
Nhưng tại sao bác lại nhắc đến sự phiền nảo thì không nghe ba kể !
Một ngày kia, bác đi thi kiến thức tổng
quát dành cho người lớn tuổi. Ba kể rằng bác cũng hồi hộp như thời còn Trung học,
hít vô thở ra thấy căng thẳng lắm ! Sáng đó, hai chị đã kẻ đi làm người đi
dạy từ sớm. Bác gái nói :
-
Hai đứa
nó bận nhiều việc quá, không chở ông đi được ! Thôi, để nhắn chú xe ôm
ngoài đầu ngõ đi với ông.
Trưa đó, bác cũng đi xe ôm về nhà.
Trong nhà chỉ có bác gái, hai chị chưa về. Bác gái hỏi :
-
Kết
quả làm sao ông ? Có mát tay không ?
Bác cười, móm mém, đưa tay khoanh một
vòng tròn nhỏ trong không khí :
-
Rớt rồi,
ngay vòng loại !
Kể đến đây thì ba tôi ngừng lại,
quay mặt đi chỗ khác như tránh nhìn thẳng vào tôi, rồi ông đứng dậy :
-
Để ba
qua với bác ấy một chút.
Cứ vậy, ba tôi và bác, thêm vài ông
bạn từ xa xưa nữa, thỉnh thoảng gặp nhau, nhắc lại chuyện ngày còn đi học, có
lúc tôi chứng kiến các bác cười đùa chọc ghẹo như còn trẻ. Dịp ngày nhà giáo,
các bác cũng rủ rê nhau mua vài hộp sữa, kèm chút tiền đến thăm thầy thăm cô,
thăm trường cũ. Thấy cô các bác chắc già lắm rồi, như ngôi trường của các bác ấy
mà tôi thường nghe ba kể lại, tôi nghĩ rằng các bậc ấy chắc mát tay lắm nên mới
còn có những học trò như vậy. Bác ấy của tôi, vẫn đọc triết lý Ấn độ, vẫn kể
chuyện các chị một cách hứng khởi như ngày nào, không quá ưu phiền !
----------------------------------
No comments:
Post a Comment