Ngày ngày của tôi

Tặng riêng cho con khi ba không còn thuộc sở hữu của cuộc đời này.


Oct 15, 2012

Trường cũ


     Giữa tháng 10, thằng con tôi rất lúng túng khi nhận chuẩn bị một bài kể chuyện về lần quay về thăm trường cũ. Nó lúng túng vì mới lớp học 9, mà trước đó học mẫu giáo một trường, học Tiểu học một trường, học cấp II một trường khác. Kể về trường cũ sau một quảng thời gian dài không quay lại, với sự thành tâm, kính trọng kỷ niệm là một chuyện không dễ. Nên nó đã nhờ tôi, một cựu học sinh với 11 năm học tại chỉ một trường, giúp nó có một bố cục.
     Tôi nhận lời vì đây là cơ hội cho chính tôi quay về, nhưng tôi làm dưới hình thức viết một lá thư. Lá thư viết cho một thằng bạn cùng trường cũ, đã chết !

Tặng các bạn học cùng niên khóa, Tiểu học và Trung học.
10.2012
Phương
-----------------------------------------------------------------------------------------
Nhã,
Tao biết mày không có cơ hội như tụi tao, về lại Taberd. Về lại có nghĩa là về thăm trường hay thăm mấy Frère còn ở lại, thâm chí về lại mỗi ngày để đưa rước con.  Mỗi lần tao quay về, theo một nghĩa nào đó của riêng tao, là có cùng một cảm giác : vừa mừng rơn vừa bực bội. Nhưng vì mày không có dịp nên tao viết ra đoạn hồi tưởng ngắn này để tao và mày cùng đọc. Cảm xúc của mày có giống cảm xúc của tao hay không ? Thì đó là chuyện khác.
            Tao bắt đầu từ cái gì bây giờ đây ?
         Thôi thì theo chân của một thằng học trò ngày xưa vậy. Tao sẽ đi từ ngoài cổng vào trong sân, vào lớp, ngồi xuống học, thỉnh thoảng ngó ra ngoài, chờ chuông tan học và ra về, để lấy ý kể cho mày nghe. 
Con đường Nguyễn Du trước cổng chính của Taberd bây giờ quá sầm uất, đó là sự ồn ào của một dãy tiệm buôn bán liền nhau ôm đến góc Hai Bà Trưng. Người ta mở tiệm đóng hộp để cung cấp cho khách gởi hàng đi, hàng ngày tấp nập ở Bưu điện bên kia đường. Chắc mày lấy làm lạ vì sao quanh trường mình lại có tiệm buôn bán phải không ? Mấy năm đầu sau khi Taberd không còn thuộc Dòng Lasan, những ông bà được cấp nhà trong trường đã phá một đoạn tường để làm cửa mở ra lề Nguyễn Du mà buôn bán, mày ạ.  Nhưng còn có một may mắn là chiếc cổng  sắt kiên cố từ ngày xưa vẫn còn đó, thềm đường vẫn còn những phiến đá lót, xù xì màu xanh đen, lì lợm đến cả trăm năm rồi. Hàng me bây giờ không còn già và cao như trước nữa mà chúng nó được cắt gọt cho phù hợp với tiết mùa mưa, nhìn trẻ hơn xanh hơn nhiều.
Cái cổng chính vẫn uy nghiêm như xưa, tao có thể nói với mày rằng : tụi mình, những thằng học đúng mười một năm tại đây, có thể nhắm mắt đi từ cổng đến sân trong mà không sợ trật lối; nó như là một điều kỳ diệu đã được chất chứa quá lâu trong tiềm thức. Hai bên sân danh dự vẫn là hai mảnh đất trồng cây nhỏ, hoa kiểng kéo dài. Tao còn nhờ bốn cây cổ thụ tại bốn góc sân này, ngày xưa mỗi sáng bước từ cổng vào, tao cố hít đầy ngực mùi hoa thoang thoảng của chúng, nó như chụp xuống mình từ trên cao; cây thì dáng cao lớn khỏe khoắn mà hoa thì li ti rụng đầy sân; ngày xưa có thằng nghịch phá, bóc một nắm hoa nhỏ này tung lên đầu đứa khác, nhìn như tóc lấm tấm màu xanh ngọc lợt lạt và thơm  như xức loại nước hoa nhẹ. Thẳng từ cổng chính là dãy nhà làm việc, chắc bây giờ cũng vậy; chỉ khác là tầng thứ ba trên cùng không phải là nhà nguyện! Bên phải và bên trái là dãy phòng học xưa nhất trường, hơn một trăm năm rồi đó ! Tường vẫn quét vôi vàng, mái vẫn ngói đỏ nhưng bây giờ thấy có một chút bừa bộn, chấp vá và quan trọng hơn là tao không tìm thấy lại vẻ trang nghiêm, tĩnh lặng mà một thời tụi mình sợ đến không dám nói chuyện to khi bắt đầu bước qua cổng vào sân danh dự.


Bây giờ vào sân chơi, mày muốn tao đi theo hướng bên trái hay bên phải ? Hướng theo bên phải sẽ qua một dãy lớp cũng xưa không thua gì dãy danh dự, rồi đến một dãy mới hơn. Cuối cùng, một khối nhà  được xây vuông góc với dãy lớp học là hội trường, hồi xưa chỉ dành cho các lễ lớn hoặc lễ phát thưởng vào mỗi tam cá nguyệt. Đi tiếp sẽ thẳng con đường một chiều, cửa sau của Taberd; bây giờ là đường Lý Tự Trọng. Từ sân danh dự, hướng theo bên trái thì gặp dãy lớp học, mà tao nhớ là được xây mới nhất trong các kiến trúc tại Taberd, xây năm 1959, bằng tuổi mày và tao. Mặt sau khối lớp học này là đường Hai Bà Trưng, bên hông trường. Bây giờ tầng trệt khu nhà mới này, người ta dành buôn bán thức uống thức ăn cho học trò, tao nhìn thấy nó ngợp ngợp làm sao đó. Một phần tư sân chơi của trường được làm bãi để xe, thú thật tao nhìn nó như nhìn một chiếc gai con con.
Cái sân chơi của trường mình cũng lạ, nó nằm trũng thấp xuống gần một mét so với sân danh dự, và dốc xuống tiếp khi đi dần dần ra cổng sau. Vì khu đất Taberd tọa lạc tại khu dốc cao và thoai thoải  đến bến Bạch Đằng nên mới có một cái sân trường thú vị như vậy. Bốn trụ bóng rổ vẩn còn đó, cột cờ giữa sân vẫn còn đó; tao cứ nhớ hoài mỗi sáng và chiều thứ hai, trong suốt một hay hai năm gì đó, hai thằng khóa tụi mình là thằng Tuấn và thằng Nghĩa, thượng cờ và hạ cờ giữa các khối lớp đứng vòng quanh sân.
Bây giờ tao với mày bước lên lớp học. Hồi lớp Nhì, lớp Nhất, lớp Mười, Mười Một tụi mình học tại hai dãy nhà xưa, trên lầu; tầng trệt  tại dãy này dành cho các anh Terminal và Mười Hai để chuẩn bị ra trường. Cầu thang lên bằng gỗ, thế hệ này đến thế hệ khác, các bậc mòn lõm xuống nhưng tao nghĩ nó sẽ còn ghi thêm một số bước chân thế hệ tiếp nữa, nếu không bị phá ! Hai bên lớp học là hai dãy hành lang lót gạch đỏ,  nó cũng lõm như cầu thang; chung phận số, hơn một trăm năm rồi mà ! Lớp học trần cao cho nên không biết nóng là gì, bây giờ tao mới thấy phục người xưa đã làm ra cái kiến trúc này. Ngồi học ở dãy này mà nói không có thỉnh thoảng nhìn ra ngoài, nhìn xuống sân danh dự thì chắc chắn là nói láo, một khoảng sân quá đẹp quá hiền lành.
 Những năm học còn lại trong mười một năm, tụi mình học tại những dãy lớp mới hơn. Hồi trước, các Frères sắp cho lớp nhỏ nhất học tại tầng trệt gần cổng sau; cứ như vậy, dần dần lớp càng lớn  tụi mình được học qua tất cả các dãy, từ tầng thấp đến cao; đến lớp lớn nhất thì học tại tầng trệt sân danh dự; sau đó ra trường được tiễn tại cổng Nguyễn Du.
Tao đã nhắc lại cho mày nghe, tao đã đi một vòng quanh trường với mày phải không ? Phần còn lại là cảm giác ra sao của tao khi bước trở lại trường.
Có một hai lần đến trường lại tham dự lễ kỷ niệm thánh Gioan Lasan, do các Frères tổ chức trên khoảng sân thượng còn lại của Dòng vào buổi tối; lúc lên lầu tao đã có dịp chạm lại vào tay vịn cầu thang bằng gỗ, mát lạnh; giờ đó còn vài lớp đang học, tao nghĩ  là học thêm; nhìn vào cái lớp mà tụi mình đã từng ngồi suốt năm, hành lang qua lại tới lui hàng ngày, nó vẫn là gam màu đó : vàng và trắng; chỉ khác là các gương mặt của người ngồi trong lớp; và bảng viết đã thay đổi chắc cũng từ lâu. Nhưng chắc chắn rằng trường còn sử dụng lại rất nhiều bàn ghế cũ vì tao nhìn vào thấy có những chiếc mà đám học trò cũ như tụi mình nhận ra liền.
Cũng có một vài lần tao đứng tần ngần tại sân chơi, nhìn coi học trò bây giờ có gì khác tụi mình không ? Thì cũng vậy thôi, chỉ khác là lúc nhỏ tụi mình không đeo khăn quàng. Và tụi mình lúc đó có vẻ chững chạc hơn, phá phách hơn một chút nhưng cũng tụi mình đó, có một nỗi sợ Thày Cô và các Frères. Học trò trường này bây giờ chắc cũng sợ Thày Cô nhưng mỗi thời một cách, tụi mình sợ nhưng được phép tranh cải, tao nhờ thằng Nghi Quân cuối năm lớp Tám đã rất tự nhiên đến phòng Frère Giám học xin được đổi lớp để học chung với thằng Tín. Tất nhiên là không được nhưng thời đó là vậy !
Những lần tần ngần trong trường như vậy là tao đều có cảm giác nổi gai óc một chút. Nhớ bạn cũ : đứa còn đứa mất, đứa ở gần đứa ở xa, đứa nằm trong đất như Thằng Viễn đứa nằm trong lòng biển như mày. Thôi, những gì tụi mình không giữ được thì cho nó đi. Mong cho những người khác có tài hơn sẽ giữ gìn tốt hơn. Đối với tao, cái tên trường là Lasan Taberd hay Trần Đại Nghĩa không quan trọng, quan trọng là cái hồn giáo dục, nhân văn, cái tâm của Thày và của trò. Giống như cái thành phố này có tên gì không quan trọng vì nó còn vẫn mang cái hồn Sài gòn.
Tháng 10.2012
Bạn của mày.



No comments:

Post a Comment