Ngày ngày của tôi

Tặng riêng cho con khi ba không còn thuộc sở hữu của cuộc đời này.


Apr 5, 2014

Âm nhạc có làm cho bé thông minh hơn không ?

Câu mà tôi trả lời là không !
Thật ra thì có thời gian tôi tin rằng đúng là có một hiệu ứng Mozart (Mozart effect) tác động lên các bé khi cho bé nghe nhạc của ông, nhưng thật ra là tôi nghe và nghĩ như vậy chứ các bé thì khác. Niềm tin của mình và cũng như của khoảng 80% thanh niên Mỹ vào hiệu ứng Mozart xuất phát từ khảo sát bởi một bác sỹ tai mũi họng Abert Tomatis năm 1950, và tương tự bởi một nhóm tình nguyện năm 1990 cho thấy : sau khi được nghe một bản sonate của Mozart trong 10 phút thì kiểm tra lại, họ thấy chỉ số IQ tăng lên 8 điểm.

 Mà quả thật nghe Mozart thì đầu óc cứ lăn tăn phấn khích vì nhạc ông viết thường là cho diễn tấu nhanh ở những âm cao, không lãng mạn ủy mị và cũng không quá trầm hùng hay tôn giáo. Nhưng dù có một thoáng xúc cảm, hưng phấn thì điều đó cũng không tạo thêm chút thông minh nào !
Gần đây có khảo sát khác (*) lập lại nhiều lần cho nhiều nhóm phụ huynh và con trẻ, cho thấy sau khi được tiếp xúc một thời gian với âm nhạc,  các đối tượng được cho kiểm tra từ vựng, toán và hai môn liên quan đến khả năng thị giác (visual art) thì kết quả là âm nhạc hoàn toàn không làm khá hơn khả năng về các môn này của các trẻ.

Có một vài cuốn sách, vài bộ CD quảng bá sự liên quan giữa nhạc Mozart và sự thông minh. Nhưng những lý lẽ đưa ra là hoàn toàn theo thống kê của vài nhóm mà các nhóm này chỉ test IQ, như trên đã nói, chứ không làm một hậu kiểm chứng về tâm lý và xã hội. Thử tưởng tượng một người mẹ đang mang thai được nghe nhạc êm dịu hoặc những đoạn nhanh và lăn tăn của Mozart thì chúng ta sẽ thấy có kết quả gì ?
Chắc chắn là thần kinh người mẹ phải hóa nên thư giãn,  có thể vì  vui tươi mà cùng hát theo nhẹ nhẹ, bớt cáu gắt  nhăn nhó trong những tháng mang nặng hài nhi. Điều này cho kết quả thật sự tốt cho quan hệ gia đình, cho CHA và MẸ bé. Kết quả này quan trọng hơn đối với trường hợp gia đình đang có hoàn cảnh tình cảm thiếu êm đềm hoặc đang có cuộc mưu sinh quá vất vã. Nhưng để nói rằng bé cảm thụ được âm nhạc trong lúc còn là bào thai thì là cực kỳ phi lý.
Với những trẻ ở vào tuổi mầm non, mẫu giáo thì tác dụng của âm nhạc cũng tương tự, nó chỉ tạm thời làm tăng phấn khích tinh thần. Nhưng nếu giả sử một buổi sáng nào đó bé phải chứng kiến ông cha bà mẹ của bé cãi nhau hoặc cha mẹ bé lộ ra sự âu lo về miếng cơm manh áo hôm nay; bé sẽ mang tâm trạng nặng nề đó vào trường và giả sử được cô cho nghe nhạc đồng quê, thậm chí những bài valse cực hay đi nữa thì cũng chỉ tội thêm cho bé thôi.
Một suy nghĩ khác, việc học nhạc và tốt hơn một chút là biết chơi một nhạc cụ, chỉ làm phát triển kỹ năng và kỷ luật, vì phải ráng sức tập trung để đọc bài nhạc và diễn đạt bằng tay (hoặc chân như một vài discotheque có máy nhạc). Nhưng mong muốn có thêm thông minh là thật sự vô vọng.
Nhưng đây không phải là chuẩn bị dấu chấm dừng cho âm nhạc . Nghệ thuật xưa nhất trong các nghệ thuật này (được biết người ta đã tìm được một sáo cổ đã có cách năm 40000 năm), phải có giá trị của nó, dĩ nhiên là âm nhạc đàng hoàng chứ không bàn đến loại nhạc của các sao hoặc nhạc kích động.
Điều có thể thấy ngay được là âm nhạc rèn luyện tính nhân bản cho con người, và nếu chơi được một nhạc cụ nào thì đó thêm cơ hội rèn thêm sự tập trung và tính kỷ luật. Ở những khách sạn lớn, đi dọc theo dãy hành lang dài, chúng ta thường được nghe những bài nhạc không lời thoang thoảng nhẹ và nhỏ phát ra đâu đó chung quanh mình, làm mình có cảm giác  dịu lại và … an tâm trong hành lang vắng !
Do vậy, thật là phi lý và bất công nếu cha mẹ không truyền cảm hứng hoặc ít ra là linh hướng cho bé nghe nhạc. Chung quanh chúng ta đầy ắp âm thanh : tiếng chim gọi nhau, tiếng lá chạm vào nhau của rừng thông… Nhưng chỉ xin đừng để bé nghe tiếng cãi nhau !

(*) Samuel Mehr, và cộng sự tại  Harvard Graduate School of Education(HGSE).



No comments:

Post a Comment